Trang chủ » Blog » TRẺ CON VÀ VIỆC MAY VÁ

TRẺ CON VÀ VIỆC MAY VÁ

qua pahadmin

Chào các bạn. Mình lại trồi lên đây.

Hôm nay, sau lâu rất lâu thì blog mình có một bình luận mới. Và mình vui lắm khi bạn đó nói những gì mình chia sẻ là hữu ích. Sẵn đang rảnh một chút, mình muốn viết về chủ đề may vá. Cụ thể là, CON NÍT CÓ NÊN HỌC MAY KHÔNG? KHI NÀO BẮT ĐẦU?

Mình là fan của các tiết mục thủ công. Mình thử đủ hết, thêu thùa, may vá, quilling (xoắn giấy), macramé (thắt dây), làm dreamcatcher (bùa ngủ ngon), làm wire jewelry (trang sức quấn), đan, móc, vẽ tranh, tùm lum tà la từa lưa hết.

Có thể do giống mẹ nên Q con mình cũng thích làm thủ công. Và khi mới 4-5 tuổi thì ảnh muốn may. Món đầu tiên ảnh may là con chuột bông; do mấy cô ở trường đang ngồi may thì ảnh đòi làm chung, vậy là cô cho một con ngồi ráp.

(Con chuột gỗ mẹ đẽo còn con chuột bông là con may.)

Con nít và may vá, hừm, cũng hay mà đúng không? Vậy bao nhiêu tuổi thì bắt đầu? Và may gì thì phù hợp?

Mình cho là, bắt đầu cầm kim và kéo chỉ được thì bắt đầu may được thôi. Đâm lên đâm xuống thôi mà. Bên trường mầm non của con mình, 4 tuổi là mấy bạn may rồi. Chỉ cần có người lớn ngồi kế bên hướng dẫn là mấy bạn làm được hết. Nhiều khi mình thấy con nít giỏi mà hâm mộ tụi nó ghê. 

Mà biết cho may gì?

– Câu trả lời là may gì cũng được. Muốn may gì thì may. Bạn có thể căng khung vải cho con may, muốn đâm đâu thì đâm, muốn màu gì thì màu, cứ để con thoải mái tự do. Sau đó quen tay rồi, có thể cho trẻ vẽ hình mình thích rồi may theo. Thành phẩm cuối cùng đạt được có thể là:

vỏ gối, gối ôm, gối tựa, gối đi xe

tranh treo tường

móc treo balo

túi tote

bóp viết

bao tập

v.v…

Vậy trẻ may thì giống hay khác người lớn may?

– Giống mà cũng khác. Giống ở chỗ may vật có công dụng, có ích, chứ không phải may rồi bỏ đi. Khác ở chỗ, may đơn giản hơn, và dụng cụ may dễ thao tác hơn. Có nhiều lựa chọn: trẻ nhỏ mới làm quen với may vá có thể dùng kim nhựa size to, chỉ nguyên tép (với điều kiện dùng vải dệt thưa như bố, cói, v.v…; trẻ lớn hơn, đã phần nào quen thuộc với chuyện may vá có thể dùng kim sắt đầu nhọn (như kim khâu bao) hoặc thậm chí kim may tay (loại dài và có lỗ kim to một chút, khoảng size số 8 hoặc 9), chỉ đơn một sợi chập đôi.

May thì sao mà không may thì sao?

Mình nghĩ may thì vui, mà không may thì thôi :)) Nhưng quan trọng là làm gì cũng phải đến được bước cuối của quá trình, tức là lên sản phẩm có ích, thì trẻ mới thấy được kết quả do công sức của mình bỏ ra, và từ đó, trân trọng những gì cần bỏ thời gian và sức lực để hoàn thành. Và hơn như vậy, trẻ học được tính kiên nhẫn. Có bạn may cắm cúi cho xong, may hư tháo ra may lại; có bạn may sai thì tức quá quăng đồ nằm lăn ra, sau đó lò mò nhặt lại may tiếp; có bạn thì mỗi ngày nhẩn nha may một chút (cái này cần ba mẹ theo dõi và khuyến khích bạn không bỏ cuộc, quan trọng à nha). Bản thân mình từ khi thử đan móc may vá thì mới tập được tính kiên nhẫn (hơn một chút) và không nản khi phải làm lại từ đầu, à, là bớt nản mới đúng. 

Cho nên, mình nghĩ may vá là một kỹ năng nên có, để chí ít sau này con mình lớn lên có thể tự đơm cúc, may lại chỗ sút chỉ, vậy thôi, chứ không cần tới mức vá áo, may áo hay sửa áo gì đó. Mấy cái đó to bự quá rồi. Mình thấy hình như trường học dạo này không còn dạy may vá nữa thì phải? Mình nhớ hồi học lớp 3-4 gì đó vẫn còn được dạy thêu và mấy mũi may cơ bản. Cháu mình bây giờ lớp Sáu mới cầm tới cây kim lần đầu, lúc mình tặng cho ẻm cái bóp viết bên Play at Home

===>>> 3 phút quảng cáo: Trang này bán các sản phẩm soạn sẵn cho trẻ em làm quen với may vá, như bóp viết, túi đeo và thú bông. Tất cả đều được đục lỗ sẵn hết rồi, kèm theo kim nhựa và chỉ may. Nghe nói mấy bạn bán cũng dễ thương lắm, chắc tại có mình trong đó :)) Đây cũng là một trong những lý do mình ít viết bài chia sẻ thời gian qua. Mời bạn ghé xem nếu có hứng thú nha.

Nguồn: https://medaybe.com/tre-con-va-viec-may-va/

Bạn cũng có thể thích

Để lại bình luận