Phần 1: LỢI ÍCH Ở TRẺ EM
Với nhiều trẻ em, thú bông là những người bạn đồng hành trung thành và đầy tính an ủi. Một người bạn bông mềm có thể khiến cho chuyến đi khám bệnh hoặc việc ngủ trong bóng tối trở nên ít đáng sợ hơn. Đối với những bạn nhỏ này, thú bông đóng vai trò như một món đồ chuyển tiếp – những vật thể không cử động [nhưng] đem lại sự an ủi vỗ về, nhất là trong những tình huống không quen thuộc hoặc gây căng thẳng [cho trẻ] (Winnicott, 1953). Mặc dù được xem là đồ chơi trẻ em, nhưng thú bông cũng có thể trở thành những món đồ mang tính chuyển tiếp cho cả người lớn. Chúng vừa là nguồn trấn an, vừa đem lại những lợi ích về tinh thần và thể chất cho những chủ nhân trẻ em và chủ nhân trưởng thành.
Thú bông có thể hỗ trợ trẻ phát triển cũng như duy trì thói quen ngủ. Ví dụ như, trong một nghiên cứu về học sinh cùng với cha mẹ của những học sinh đó, Golem và các cộng sự (2019) đã sử dụng các bảng câu hỏi và thảo luận nhóm để làm sáng tỏ những niềm tin và thái độ mà người tham gia có về giấc ngủ. Trong số các chủ đề được đem ra bàn bạc, họ nhận thấy rằng thú bông là một điểm quan trọng trong các cuộc chuyện trò giữa trẻ em. Cụ thể, các trẻ này đã miêu tả sự an ủi và nương tựa về mặt thể chất cũng như tinh thần mà thú bông đem lại cho mình vào giờ đi ngủ (Golem et al., 2019)
Thú bông giúp cho việc ngủ, khuyến đọc và an ủi trẻ trong các tình huống căng thẳng hoặc đau đớn như quá trình hậu phẫu.
Thêm vào đó, thú bông còn có thể giúp khuyến đọc ở trẻ. Trong một nghiên cứu khác ở trẻ mầm non, Okazaki et al. (2017) khảo sát việc áp dụng chương trình thú bông ngủ qua đêm để khuyến khích các em đọc sách. Để làm được việc này, đầu tiên họ đưa cho trẻ những con thú bông đã được đặt ở thư viện qua một đêm. Người ta chụp ảnh những con thú bông này đang làm các hoạt động khác nhau để thuyết phục trẻ rằng chúng kỳ diệu và có tri giác. Sau đó, các con thú bông này sẽ để lại một tin nhắn cho trẻ, yêu cầu trẻ đọc sách cho chúng nghe. Trong suốt quá trình nghiên cứu, Okazaki và các cộng sự cũng quan sát các trẻ em này và ghi lại số lượng các trẻ đọc sách tranh cho thú bông trong giờ chơi tự do trước và sau khi tham gia chương trình. Họ nhận thấy lượng trẻ đọc sách cho thú bông tăng lên sau chương trình ngủ qua đêm cùng thú bông. Tuy hiệu ứng này biến mất sau 3 ngày, Okazaki và các cộng sự (2017) phát hiện ra việc nhắc lại chương trình này cho trẻ sau một tháng bằng cách yêu cầu trẻ miêu tả hoạt động của thú bông khi ngủ lại nhà mình giúp đẩy mạnh khuynh hướng đọc sách ở trẻ.
Điểm cuối cùng, thú bông có thể giúp ngăn chặn đau đớn ở các trẻ em sau phẫu thuật. Trong một nghiên cứu đối với bệnh nhi từ 1-7 tuổi trải qua phẫu thuật, Ullán và các cộng sự (2014) đưa cho trẻ một chú thỏ bông được mặc quần áo bác sĩ, đồng thời hướng dẫn cha mẹ bệnh nhi cách chơi với trẻ bằng thú bông sau khi trẻ được phẫu thuật. Nhóm nghiên cứu cũng đo mức độ đau của trẻ dựa trên biểu hiện của chúng ở giai đoạn hậu phẫu, như nét mặt hoặc sự khóc lóc. Chung quy, Ullán và các cộng sự (2014) nhận thấy rằng trẻ em nào được nhận thỏ bông và chơi với chúng như hướng dẫn thì ít đau hơn so với những trẻ khác. Các nhà nghiên cứu đặt ra hai cách lý giải cho điều này: hoặc việc chơi với thú bông đánh lạc hướng trẻ khỏi cơn đau; hoặc việc đó khiến cho trẻ vui hơn, từ đó ảnh hưởng đến việc trải nghiệm cơn đau của trẻ.
NGUỒN: https://icjs.us/the-positives-of-plushies-stuffed-animals-have-benefits-for-children-and-adults/
PLAYATHOME lược dịch
1 bình luận
[…] […]