Trang chủ » Blog » CÁCH ĐỂ GIÚP CON HIỂU NGÔN NGỮ CƠ THỂ

CÁCH ĐỂ GIÚP CON HIỂU NGÔN NGỮ CƠ THỂ

qua pahadmin

Trẻ con, nhất là khi đến độ tuổi học nói, sẽ bắt chước người lớn về ngôn ngữ, cử chỉ và cả điệu bộ nữa. Không khó để chúng ta bắt gặp những tình huống khi “ông cụ non, bà cụ non” phát ngôn, hoặc ứng xử như một người lớn. Có lúc chúng ta phì cười, có lúc lại phải cau mày vì không phù hợp. Cứ vậy, trẻ con hấp thụ tất cả những gì chúng thấy và nghe, sau đó ứng dụng trong những tình huống tương tự. Bậc làm cha mẹ chúng ta, lúc nào cũng phải cẩn thận quan sát bản thân mình trong suốt quá trình nuôi con khôn lớn. Hôm nay PlayatHome muốn giới thiệu với Ba Mẹ một bài viết khá thú vị của tác giả Kate Kelly, nói về cách trẻ con học về “ngôn ngữ cơ thể” (body language), trong trường hợp chúng không có khả năng đó.

Con người không chỉ sử dụng từ ngữ để truyền đạt cảm xúc. Nhưng trẻ con không phải lúc nào cũng nhận ra điều đó. Nếu đứa trẻ của bạn gặp khó khăn trong việc nắm bắt ngôn ngữ cơ thể hoặc các tín hiệu giao tiếp nói chung, bạn có thể tham khảo một số thứ sau đây.

Ghép cử động với thông điệp.

Cho trẻ thấy được rằng cách mà cơ thể chuyển động cũng có thể truyền đạt cảm xúc một cách rõ ràng và cụ thể, [ví dụ như] nhịp các ngón tay, nhún vai, đi lại không yên, hay đứng chống nạnh. Giải thích cho trẻ hiểu thông điệp ẩn chứa sau mỗi cử động như vậy. “Khi ai đó đứng như vầy, có thể là họ đang mất kiên nhẫn, hoặc họ thất vọng về những gì con mới nói.”

Chỉ ra các ví dụ.

Bạn có thể giới thiệu khái niệm về ngôn ngữ cơ thể cho trẻ thông qua việc để ý đến cách người ta – cả ngoài đời lẫn trên TV – tương tác với nhau. (Nếu bạn và con cùng xem TV, thậm chí bạn có thể tắt tiếng [để thử].) Giúp cho con phát hiện ra những gợi ý cho thấy một người đang có cảm giác như thế nào. Hỏi con xem gợi ý nào ngụ ý người đó đang cảm thấy như vậy. Nói những điều như “Mặt người đàn ông kia [lúc đó] đỏ lên” hoặc “Cô gái / Bạn gái đó siết chặt nắm tay lại” sẽ giúp con bạn có được một “verbal anchor” (từ hoặc cụm từ gợi lên một trạng thái hoặc một cảm xúc nào đó – ND] nhằm ghi nhớ được tín hiệu về hình ảnh.

Chơi trò đố chữ với chủ đề “ngôn ngữ cơ thể”.

Việc diễn xuất các cảm xúc thông qua ngôn ngữ cơ thể giúp trẻ nhìn ra được mối liên hệ giữa cả hai. Chơi một trò chơi về chủ đề đó, và mời cả gia đình cùng tham gia. Trên các thẻ thông tin, bạn ghi tên những cảm xúc khác nhau (mỗi thẻ một tên). Có thể bao gồm vui sướng, buồn bã, giận dữ, mệt mỏi, v.v… Mọi người tuần tự rút một thẻ và diễn cảm xúc đó trong khi cả nhà sẽ cố gắng đoán xem nó là gì.

Đừng hiểu quá trực nghĩa.

Không phải cứ hễ thầy cô giận thì sẽ khoanh tay lại. Có thể là họ đang cảm thấy không đủ ấm. Một bạn học ngồi đan tay sau gáy có thể vì bạn ấy đang thấy cuộc chuyện trò này nhàm chán, hoặc chỉ đơn giản là bạn đang giãn cơ mà thôi.

Giải thích cho con bạn hiểu rằng chỉ những cử động của cơ thể và các điệu bộ không thể chỉ ra bức tranh toàn cảnh. Con cần phải lưu tâm đến tông giọng và từ ngữ để có thể hiểu được ý nghĩa hoàn chỉnh của những gì một người đang nói.

Lời bình từ PlayatHome

Các cô ở PlayatHome theo giáo dục Steiner Waldorf nên sẽ có một số ý kiến riêng đến từ góc nhìn của phuơng pháp này. Xin được nhấn mạnh rằng ở đây không có đúng hay sai, mà chỉ có phù hợp hay không đối với quan điểm riêng và hoàn cảnh, nếp sống của từng gia đình mà thôi.

Trong giáo dục Steiner Waldorf, nhất là ở lứa tuổi nhỏ như mầm non hoặc lớp 1-2, thậm chí là 3, trẻ con sẽ chưa thể hiểu được vấn đề theo như cách nhìn nhận và giải thích của người lớn. Trẻ chỉ nghe, ghi nhớ và lặp lại như một cái máy mà thôi, dù cho trẻ nhìn có vẻ rất hiểu và ứng dụng lời khuyên của cha mẹ vào đúng thời điểm. Các cô tin rằng, trẻ con có cái nhìn rất nhạy bén, và khả năng bắt chước tài tình; vì trẻ làm việc với cơ thể sức sống của người lớn, những gì người lớn thực sự nghĩ và cảm nhận, chứ không chỉ những gì người lớn thốt ra. Cho nên những gì chúng ghi nhận, cảm thụ, và thâu nạp sẽ diễn ra một cách chậm rãi nhưng chắc chắn, và chỉ có cách luôn luôn để ý quan sát bản thân mình, cùng với dùng tình cảm chân thật để đối với trẻ, làm gương cho trẻ, thì chúng ta sẽ có cách dạy cho trẻ dễ dàng nhất, và làm lợi cho cả trẻ con lẫn bản thân người lớn chúng ta mà thôi.

Nguồn: https://www.understood.org/en/articles/at-a-glance-helping-your-child-understand-body-language

Dịch và viết: Trang Tran (Team PlayatHome)

Bạn cũng có thể thích

Để lại bình luận