Chuyện kể sống trong con người chúng ta, chúng trở thành chúng ta. Khi nghĩ về những cuốn sách ưa thích thuở nhỏ, một phần trong chúng ta sẽ vừa muốn tuyên bố rằng chúng ta yêu thích câu chuyện đó, một phần vừa muốn chia sẻ nó với người khác. Những câu chuyện chúng ta ấp ủ yêu thương và mang theo trong mình như vậy, chúng cũng định hình nên chúng ta. Nó có thể nhẹ nhàng như việc sắp chúng ta vào Nhà yêu thích trong truyện Harry Potter (có ai không thuộc Nhà Gryffindor không nè?) cho đến những việc sâu sắc hơn, như nguyên mẫu của một chàng hoàng tử hay một nàng công chúa, và một cái kết hạnh phúc cho một câu chuyện cổ tích.
Steiner khuyên chúng ta nên kể cho trẻ con nghe các câu chuyện cổ tích phù hợp với lứa tuổi của chúng, để có thể chăm bón cho tâm hồn chúng bằng những hình ảnh mà chúng khao khát thiết tha, những hình ảnh sẽ dẫn dắt chúng trong cuộc đời sau này. Đối với trẻ dưới 7 tuổi, những hình ảnh từ các câu chuyện kể là cách duy nhất giúp chúng hiểu về thế giới một cách thực sự. Đúng theo nghĩa đen, trẻ ở tuổi này suy nghĩ bằng hình ảnh thay vì khái niệm.
Hãy tưởng tượng rằng bạn có một đứa trẻ 4 tuổi và đứa trẻ này luôn luôn vào phòng riêng của các anh chị lớn và lấy đi đồ đạc của chúng. Bạn có thể thử nói với chúng rằng việc làm đó xâm phạm quyền riêng tư, và rằng nó sẽ khiến cho anh chị của chúng cảm thấy không hay.
Hoặc,
Bạn có thể kể cho chúng nghe câu chuyện “Cô bé Goldilocks và Gia đình Gấu”, rồi sau đó nói bằng một giọng vui vẻ rằng “Đừng như Goldilocks và vào phòng riêng của anh con nữa.” Đứa trẻ nhỏ lúc này đã có một hình ảnh để từ đó có thể thấu hiểu một cách sâu sắc, đặc biệt trong ngữ cảnh liên quan đến lĩnh vực xã hội. Chuyện kể chứa đầy quyền năng, vui tươi và có hiệu quả trong việc định hình cuộc sống của chúng ta như vậy. Chúng chuyện trò với tâm hồn của ta.
Khi phải xử lý những thử thách khó tránh mà chúng ta bị buộc đối mặt khi nuôi dạy con cái, thật hợp lý khi dùng chuyện kể để giúp đỡ chúng (và cũng giúp bản thân chúng ta tránh phải liên tục lặp đi lặp lại các yêu cầu nữa!)
Những câu chuyện trong sách của tác giả Susan Perrow là một phép màu đã được thử nghiệm; chúng truyền cảm hứng và dễ dàng sử dụng một cách đáng kinh ngạc. Tác giả cũng cung cấp các công cụ giúp bạn viết nên tác phẩm riêng của mình trong trường hợp bạn không tìm thấy trong sách câu chuyện mà mình cần.
Nhìn chung, bạn sẽ cần:
Một phép ẩn dụ: một chú ngựa hoang
Một hành trình: Chú ngựa pony không có bạn.
Một giải pháp: Một cái lược ma thuật được tìm thấy, và chú ngựa nhỏ thích được chải lông một cách điềm tĩnh. Chú kết bạn với cậu bé chải lông cho chú.
Đối với trẻ nhỏ, những câu chuyện về động vật có hiệu quả nhất, và nếu trẻ nói rằng “Ê chuyện này giống mình nè”, thì bạn có thể chỉ mỉm cười và để chúng chiêm nghiệm về điều đó.
Sau đây là một số mẹo từ HARSHITA MAKVANA giúp bạn tự sáng tác truyện cho mình:
- Hiểu được khán giả: Bước đầu tiên và quan trọng nhất là hiểu được khán giả của bạn: biết được họ muốn gì sẽ giúp bạn sáng tác và kể một câu chuyện hấp dẫn. Cho nên hãy hỏi bản thân bạn về những gì đứa trẻ của bạn thích: siêu anh hùng, hoàng tử và công chúa, người ngoài hành tinh hay các nhân vật lịch sử?
- Xây dựng thông điệp: Bước tiếp theo là xác định thông điệp bạn muốn truyền đạt qua câu chuyện của mình. Những đứa trẻ sẽ rút ra được gì từ câu chuyện? Có những điểm cụ thể nào mà bạn muốn chúng học được từ câu chuyện này không? Xây dựng câu chuyện của bạn dựa trên các câu hỏi trên.
- Dùng những từ ngữ mang tính sáng tạo: Việc sử dụng các từ vựng sáng tạo và đầy ấn tượng sẽ hiệu quả nhất khi bạn kể chuyện cho trẻ nghe. Tuy nhiên cần hạn chế sử dụng những từ trẻ chưa hiểu được.
- Cách diễn đạt: Hãy khiến trẻ say mê bằng cách kể chuyện thật hùng hồn và kịch tính. Hãy tràn đầy năng lượng, hãy chan hoà cảm xúc và thả lỏng tự nhiên. Hãy tạo nên một trải nghiệm đầy hồi hộp với các sự việc căng thẳng và bất ngờ nếu mạch truyện đảm bảo được điều đó.
- Canh thời gian: Sự quan trọng của việc canh thời gian trong kể chuyện và hiệu quả mà nó mang lại đối với trẻ thật sự quan trọng. Dù cho nó là một câu chuyện kể bên đống lửa trại, một câu chuyện trước giờ đi ngủ, hay chỉ đơn giản là một câu chuyện hài hước kể vào một ngày mưa, chúng đều cần phải phù hợp và thích hợp cho tâm trạng và thời gian của ngày hôm đó.
Là cha mẹ, là giáo viên, chúng ta có ý thức sâu sắc về những gì trẻ cần và những bài học cần thiết để dẫn đường chúng đến thành công. Bằng cách trao đổi thông qua ngôn ngữ hình ảnh của trẻ, chúng ta có thể truyền đạt sự thông thái, niềm vui và tình yêu thương từ tâm hồn của chúng ta đến tâm hồn của trẻ.
Nguồn: https://trinus.org/healing-stories-for-challenging-behavior/
Dịch bởi: Trang Tran (Team PlayatHome)