Thế giới hiện đại mà chúng ta đang sống, quả thực tràn ngập tiện ích. Chỉ một cái nhấp chuột, một nút bấm hoặc một vài thao tác đơn giản, là chúng ta có thể hoàn thành rất nhiều những thứ mà ông cha ngày trước tốn không ít thời gian và công sức để tạo ra.
Bạn thử nghĩ xem, giả sử như chúng ta không có những vật dụng rất nhỏ nhặt thường ngày thôi, ví dụ như cây lau nhà, thì có phải chúng ta sẽ phải bò ra sàn để lau bằng tay không? Hoặc nếu không có quạt máy, có phải chúng ta sẽ phải ngồi quạt tay rất lâu đến khi ngủ thiếp đi không? Hoặc một ngọn đèn điện, một chiếc nồi cơm điện, một cái máy bơm nước?
Đó chỉ mới là những vật dụng trong gia đình thôi đó nha. Mình tưởng tượng tới đây thôi là đã thấy cuộc sống hơi vất vả rồi đó, nhất là đối với một người như mình, vốn lớn lên trong sự bảo bọc hơi quá kỹ càng của mẹ.
Nhưng thời mình còn nhỏ là chuyện của những năm thuộc thập niên 80-90. Còn trẻ con thời nay thì sao?
Quá nhiều sự cách tân và đổi mới, quá nhiều phát kiến vĩ đại, quá nhiều những bước nhảy vọt; và đi cùng với nó là quá ít sự trân quý cái truyền thống, quá ít sự kiên nhẫn, quá ít sự chiêm nghiệm. Trẻ con thời nay, mình nghĩ, chúng may mắn thụ hưởng vật chất vượt mức cần thiết, nhưng thiếu các trải nghiệm về mặt tinh thần và tâm hồn.
Mình nghĩ mình không phải là người duy nhất trăn trở về điều đó. Bằng chứng là ngày càng nhiều những trung tâm, workshop, cá nhân tổ chức các hoạt động cho trẻ quay lại với thiên nhiên, xây dựng và rèn giũa các kỹ năng của đôi bàn tay, trong đó có hoạt động thủ công.
Mở bài dài dễ sợ. Mình vô chủ đề chính đây.
Hoạt động thủ công là gì? Thủ công là những cách mà bạn tạo ra một sản phẩm mà không dùng đến máy móc, ví dụ như đan móc, dệt, quấn giấy, may vá, làm gốm, v.v.. Vậy một đứa trẻ làm thủ công trong lớp học hay ở nhà thì sẽ khác với một nghệ nhân như thế nào?
Mình nhận thấy các hoạt động thủ công tại lớp đa phần là cắt giấy, dán giấy, vẽ tranh, tô màu, làm thiệp…, có vẻ như liên quan khá nhiều đến giấy. Vấn đề là, giấy thì không bền, và người ta có xu hướng vất đi sau một thời gian. Điều này vô hình trung, làm mất đi một phần quan trọng trong quá trình làm thủ công – tạo ra mục đích sử dụng lâu bền. Các sản phẩm thủ công thường có giá rất cao, bởi nó được làm bằng tay, và được thổi hồn vào đó. Một sản phẩm làm hàng loạt bằng máy không thể nào có hồn bằng một sản phẩm được làm bằng tay cả. Bởi nó không được truyền năng lượng từ người tạo ra nó. Đó cũng là lý do các cô giáo mầm non nói chung và Waldorf nói riêng luôn được khuyến khích tự mình làm đồ chơi cho trẻ.
Quay lại vấn đề “mục đích sử dụng lâu bền”, một vật dụng được tạo ra luôn phải có chức năng của nó, và nó càng tồn tại lâu dài thì càng xứng đáng với công sức bỏ ra trong quá trình hoàn thành, hoàn thiện nó. Việc trao cho trẻ một mục đích sử dụng cho thứ mà trẻ được yêu cầu làm, sẽ giúp cho chúng có cái nhìn trọn vẹn và mang lại ý nghĩa cho hoạt động của chúng. Và để thực hiện điều đó, chúng ta phải lựa chọn chất liệu sao cho thành phẩm tạo ra có thể được dùng lâu dài mà không hư hỏng; đừng để cho thành phẩm nhìn qua loa – chúng có thể nhìn vụng về nhưng đừng để chúng nhìn cẩu thả. Vì công sức và tình cảm của trẻ bỏ ra xứng đáng được nhận lấy thứ có giá trị lâu bền hơn là vật chỉ dùng một lần.
Đó là cách chúng ta dạy cho trẻ như thế nào là trân trọng lao động, trân quý những thứ chúng có được, và biết ơn những người tạo ra chúng. Và từ đó, có trách nhiệm và thái độ tốt hơn trong cuộc sống.
Viết bởi: Trang Tran (Team PlayatHome)